Bạn đang nghe chương trình đọc báo của báo Tuổi Trẻ. Sau đây mời bạn nghe bài "Không được bó tay trước cát tặc".
Kết luận cuộc họp về tình hình khai thác cát trái phép chiều 7-3, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình ra lệnh cho các lực lượng chức năng “không được bó tay trước cát tặc”.
Nhưng ý kiến từ các địa phương cho thấy đây là một cuộc chiến nan giải.
Có bảo kê cho tội phạm?
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết mặc dù Chính phủ và Thủ tướng đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo nhưng cho đến nay lĩnh vực khai thác cát diễn biến rất phức tạp, vì vậy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tổ chức cuộc họp này.
Phân tích nguyên nhân khách quan, Phó thủ tướng nêu: “Địa bàn khai thác cát trái phép trải rộng, kéo dài qua nhiều tỉnh, TP, số đối tượng khai thác cát trái phép nhiều, sống ven sông, thông thạo sông nước, thủ đoạn hoạt động tinh vi, đa dạng, thường xuyên thay đổi hình thức, quy luật hoạt động và có tổ chức chặt chẽ, có kế hoạch đối phó, né tránh khi lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.
Thời gian bơm hút cát diễn ra nhanh trong khoảng 30-60 phút, đối tượng được trang bị máy móc hiện đại, công suất lớn, thường diễn ra ban đêm tại các địa bàn giáp ranh, các đối tượng vi phạm thường xây dựng hệ thống “chân rết” rộng để cảnh báo, theo dõi hoạt động của các cơ quan chức năng nên việc tổ chức bắt giữ, xử lý gặp nhiều khó khăn”.
Tuy vậy, nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng này trước hết là do cấp ủy, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, xử lý vi phạm thiếu nhất quán, không đủ răn đe...
“Chúng ta cũng phải thấy một thực tế là có những vi phạm diễn ra công khai, ban ngày, liên tục nhưng vẫn không bị xử lý gì. Có thể có tình trạng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, bao che, thậm chí có dấu hiệu bảo kê cho tội phạm.
Đằng sau các hoạt động khai thác trái phép lại có bóng dáng của tội phạm, tổ chức bảo kê cho hoạt động này” - Phó thủ tướng chỉ rõ.
Có bóng dáng “xã hội đen” đứng sau chủ tàu
Khó khăn trong xử lý hình sự các hành vi của cát tặc là điểm chung được các địa phương nêu lên. Thống kê cho thấy trong năm 2016 có tổng cộng hơn 2.000 vụ khai thác cát trái phép bị xử lý, nhưng số vụ khởi tố hình sự rất ít. Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho biết tỉnh bắt 157 vụ nhưng chỉ xử lý hình sự 1 vụ, còn lại xử lý hành chính.
Thừa nhận nạn khai thác cát trái phép làm nhân dân rất bức xúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương thừa nhận: “Chế tài pháp luật là vấn đề đáng nói. Cách đây vài năm chúng tôi bắt 1 vụ, sau đó họ đánh chìm tàu, cuối cùng chủ tịch xã bị xử lý kỷ luật”. Đại diện tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết việc xử lý cát tặc “dễ gây họa cho cấp huyện, xã bởi giữ một cái tàu mà để họ đánh chìm, sau đó ra tòa là mình thua trắng”.
Chia sẻ với khó khăn của các địa phương, thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an, cho biết có cả bóng dáng “xã hội đen” đứng đằng sau các chủ tàu khai thác cát trái phép, thực tế đã có vụ bắt tàu vi phạm thu giữ được mấy khẩu súng.
Không chỉ cát tặc
Thượng tướng Lê Quý Vương nói rằng những vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực này không chỉ cát tặc, tức là khai thác cát trái phép, mà có cả các doanh nghiệp được cấp phép, có thu thuế hẳn hoi.
“Ví dụ như cho phép nạo vét có 5m, nhưng ông nạo vét tới 15m, gây ra rất nhiều hệ lụy xấu cho môi trường, xói lở, đời sống người dân” - ông Vương nói.
Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho thấy có 108 dự án nạo vét luồng thủy theo hình thức xã hội hóa có tận thu sản phẩm (luồng hàng hải là 42 dự án, luồng đường thủy nội địa là 66 dự án), trong đó 32 dự án đã thu hồi xong, 55 dự án đang triển khai, 21 dự án đã phê duyệt hồ sơ đề xuất, chấp thuận chủ trương; có 506 mỏ cát được cấp phép khai thác.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao nêu thêm ví dụ về tài nguyên cát trắng - một loại cát hữu hạn và không tái tạo. “Doanh nghiệp đăng ký xuất sang các tỉnh khác, nhưng khi đến các tỉnh khác thì họ xuất khẩu đi nước ngoài” - ông nói.
Đại diện tỉnh Quảng Nam cũng cho biết tỉnh đã cấm xuất khẩu cát trắng từ năm 2010, nhưng các tỉnh khác lại không cấm, do đó họ đến Quảng Nam mua rồi về tỉnh khác xuất đi nước ngoài.
Xem xét khởi tố một số vụ trọng điểm
“Phải có quyết tâm lớn để ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động khai thác cát sỏi trái phép” - Phó thủ tướng Trương Hòa Bình ra lệnh.
Ông yêu cầu Bộ Xây dựng không cấp phép mới cho các dự án xuất khẩu cát nhiễm mặn, Bộ GTVT dừng cấp phép mới các dự án xã hội hóa nạo vét luồng lạch, đồng thời rà soát, kiểm tra hoạt động các dự án đang triển khai;
Bộ TN-MT phải tăng cường thanh tra, kiểm tra việc cấp phép khai thác cát sỏi, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu có liên quan đến lĩnh vực này...
Phó thủ tướng yêu cầu: “Bộ Công an mở đợt đấu tranh cao điểm chống cát tặc từ ngày 15-3 đến 1-6. Xem xét khởi tố hình sự một số vụ án trọng điểm để góp phần răn đe, phòng ngừa chung. Phải chỉ đạo lập chuyên án, làm rõ đường dây khai thác cát trái phép.
Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an đề xuất chế tài cần thiết, đủ sức răn đe các hành vi khai thác cát trái phép. Chế tài phải đủ sức xử lý, tránh để đối tượng kiện ngược lại lực lượng chức năng. Kiến nghị TAND tối cao hướng dẫn xử lý trước mắt, có án lệ, chứ để bó tay là không được”.
Phó thủ tướng lưu ý phải xác định rõ trách nhiệm cấp ủy, chính quyền trong quản lý địa bàn, đấu tranh với nạn khai thác cát sỏi trái phép. Nơi nào để tình trạng vi phạm kéo dài thì phải xử lý người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương đó.
Với các xã giáp ranh thì chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm, giáp ranh huyện thì chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm, giáp ranh các tỉnh thì trung ương phải vào cuộc. Phát hiện cán bộ bao che, bảo kê vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh.
Kiên Giang đề nghị dừng xuất khẩu cát tận thu ở Phú Quốc
Phát biểu tại cuộc họp chiều 7 tháng 3 Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết ở địa phương ông không có cát tặc mà chỉ có một dự án nạo vét quân cảng Vùng 5 hải quân tại thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc.
“Có tiếp tục dự án này không là do Bộ Quốc phòng quyết định, vì đây là dự án của quốc phòng. Riêng về xuất khẩu, chúng tôi đề nghị dừng hẳn” - ông Nhịn cho hay.
Trước đó, ông Nhịn đã có văn bản báo cáo theo yêu cầu của Thủ tướng (sau khi báo Tuổi Trẻ đăng loạt bài “Đường đi của cát Việt ra nước ngoài”), nêu rõ dự án trên đây là có tận thu cát nhiễm mặn để sử dụng nhu cầu san lấp của địa phương và xuất khẩu do Bộ tư lệnh Vùng 5 làm chủ đầu tư.
Theo báo cáo, trong quá trình thực hiện dự án, Bộ tư lệnh Vùng 5 hải quân đã tổ chức giám sát, theo dõi đơn vị thi công thực hiện đúng thiết kế kỹ thuật đã duyệt.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án còn một số tồn tại, hạn chế như: khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án nạo vét chưa lấy ý kiến tham vấn cộng đồng; chưa có ý kiến của Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Kiên Giang trước khi phê duyệt và sau khi phê duyệt cũng không gửi để sở phối hợp kiểm tra, giám sát...
Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, phó tổng tham mưu trưởng QĐND VN, cho biết: Quân đội có 3 dự án, trong đó 2 dự án đang triển khai (các dự án này đều được cơ quan chức năng cho phép, một là quân cảng Vùng 5 ở Kiên Giang và hai là ở quân cảng Đà Nẵng).
“Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến của Kiên Giang về phối hợp với địa phương để giám sát, cái này tôi sẽ báo cáo với lãnh đạo Bộ Quốc phòng.
Cũng do yêu cầu quan trọng trong việc phục vụ quốc phòng, đề nghị Phó thủ tướng và các bộ ngành cho phép tiếp tục ba dự án trên đây” - tướng Nam nói.
Bài viết của tác giả Lê Kiên thực hiện, người đọc Anh Đào.